Thời gian mình bắt đầu đọc sách là mãi tới khi gần ra trường, tốt nghiệp đại học, mình toàn đọc những sách linh tinh hoặc sách Non Fiction kinh điển, không phải phát triển bản thân. Cho nên mỗi khi ai đó khuyên nên đọc cuốn này, cuốn kia, mình cũng thử xem nhưng chỉ được một tí là nản.
Có bạn nào cũng vậy không?
Hoặc nản hoặc buồn ngủ díp mắt không đọc nổi một trang trọn vẹn, và thế là mình từ bỏ và…
Mình lại tìm tới những cuốn sách truyện kinh điển của thế giới, cuốn mình trong những câu chuyện ấy, có thể phong phú hơn về trải nghiệm sống nhưng tuyệt nhiên những kỹ năng mềm trong cuộc sống để phát triển bản thân mình không hề có.
Khi đến một thời điểm đủ duyên hội tụ, bạn sẽ thay đổi góc nhìn.
Chính bản thân mình lại tìm đến sách phát triển bản thân mãi tới năm 30 tuổi, mình đọc ngấu nghiến vì có nhiều cuốn đọc đâu hiểu đó, ngộ ra rất nhiều thứ, kiểu như là tầm nhận thức của mình được nâng lên. Nhưng mình nhận ra một sự thật đau lòng: áp dụng những kiến thức trong sách vào cuộc sống không mấy dễ dàng.
Mình từng nghe một câu nói rất hay: kiến thức mà không được tiêu hóa thì nó thành rác trong đầu nên học phải đi đôi với hành là vậy. Mình cũng thế, rất buồn và chán nản khi mọi người áp dụng được, mọi người thành công, còn mình đọc bao nhiêu đi nữa cũng gần như không, biết để đấy, có thời điểm đầu còn khiến mình kiêu căng tự phụ khi đọc được nhiều sách chứ 😅, sau khi nhận ra điều đó, mình vẫn nhiều khi muốn từ bỏ, thôi chẳng đọc làm gì nữa 😌
Cho đến khi…
Có một lần mình nghe sách nói của Voizfm, mình nghe cuốn Hiểu về trái tim của thầy Minh Niệm có đoạn này mình rất nhớ, đại ý nó là: khi bạn đọc sách kể cả bạn không nhớ được gì khi đọc xong, giống như bạn lấy thùng bị thủng đi xách nước (trong câu chuyện châm ngôn) thì chữ, kiến thức vẫn đi vào tiềm thức bạn một phần nào đó và nằm yên đấy (giống như nước tưới bị rớt trên đường lại tưới được cây và sau thời gian cây nở hoa), đến khi nào mọi cái duyên nó hội đủ thì cái đó sẽ được mang ra giúp bạn hiểu và thông suốt 1 vấn đề nào đó.
Chắc chắn không thể chỉ có một lần đọc sách, hay vài từ ngữ mà giúp mình được, mà sẽ là cả một quá trình tích lũy dần. Còn nếu mình cứ nghĩ là đọc mà không thực hành thì cũng bằng không, và rồi không đọc nữa, thì quả thật sẽ rất tiếc đó ạ, sẽ lâu để mình có thể có chứng nghiệm hay áp dụng được trong cuộc sống, vậy nên kết luận của mình là cứ đọc đi.
Ngoài ra còn một quan điểm nữa là, tuỳ vào phước đức mỗi người, tần số rung mỗi người, mà một thời điểm nhất định, chúng ta sẽ hiểu được một số kiến thức nhất định, đủ duyên mới có thể góp nhặt nâng cao trí tuệ cho chính mình. Nên kể cả bạn chưa có được như người khác, vẫn hãy yêu thương chính mình, tầng nhận thức của mình ở thời điểm đó. Và tìm cách để học hỏi chứ không bị dính mắc quá vào hình thức là đọc được nhiều sách hay không.
Bởi vì…
Khi bạn còn dính mắc, là bạn còn đau khổ, là tần số bạn đi xuống. Vậy thì mục đích sau cùng của việc đọc sách để nâng cao trí tuệ, xóa bỏ vô minh, để cuộc sống bình an hơn thì lại bị cái chấp đó làm mình không đi được tới đích.
Đọc sách theo “kiểu” Thu Giang- Nguyễn Duy Cần nếu bạn muốn có một cơ sở học vấn vững vàng
Muốn hiểu về đọc sách như thế nào, đọc loại sách nào… thì không thể không đọc cuốn Tôi tự học của bác Thu Giang- Nguyễn Duy Cần. Trong sách bác có đề cập đến phương tiện của việc tự học là đọc sách. Theo bác thì đọc sách để bổ sung kiến thức và để hiểu mình.
Bác chia sẻ là chỉ nên đọc những tác phẩm hay, trong một không khí trang nghiêm, tĩnh lặng. Người đọc cần tìm cho mình những cuốn sách gối đầu giường, nên đọc nguyên văn hoặc có thể là bản dịch. Đọc sách cần đọc đi đọc lại nhiều lần, đọc những sách cao hơn tầm hiểu biết của mình, và luôn dành thiện cảm cho bất cứ cuốn sách nào. Lại cần phải ôn lại những gì ta đã hiểu biết hoặc đã suy nghĩ về vấn đề quyển sách đã nêu ra. Bên cạnh đó, đọc sách cần phải so sánh đối chiếu với những hiểu biết của mình nữa, tìm chỗ dở của cuốn sách mà phê bình nghiêm khắc, lại tìm chỗ hay của nó mà bênh vực cho được.
Tóm lại, tôi thường dùng phương pháp này: đầu tiên, đối với quyển sách, tôi lấy hết sức thiện cảm để đọc nó. Có thiện cảm mới có thể tìm hiểu được tác giả. Kế đó, tôi lấy tư cách đối phương để đọc nó. Tôi tìm đủ cách để tìm ra chỗ dở của nó, phê bình nó một cách hết sức nghiêm khắc như một kẻ thù. Rồi sau cùng lấy tư cách của một trạng sư, tìm đủ lý lẽ để bênh vực nó, cho kỳ được lý lẽ mới chịu thôi.
Tôi tự học- Thu Giang-Nguyễn Duy Cần
Những sách toát yếu thì không nên đọc cho người mới bắt đầu đọc. Bạn nên viết lại những gì bạn đã đọc, cần xem cả mục lục nữa.
Tóm lại viết bài này mình chỉ muốn nhấn mạnh về quan điểm không quá bám chấp vào việc đọc sách phải thế này, phải thế kia theo ý mọi người, mà cần nhìn vào chính tần số năng lượng của bản thân thì mình sẽ đọc sách để sao cho tần số ấy ở mức cao nhất. Nó cũng giống như câu hỏi Ăn chay- Ăn mặn vậy. Chúc các bạn tìm được niềm vui dù làm bất cứ việc gì.
19/03/2024 23h04